Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

TẠI SAO CÀNG NGÀY CÀNG NHIỀU PHỤ NỮ CHÁN CHỒNG ĐẾN NHƯ VẬY?

 Có một thực trạng rằng càng ngày càng nhiều người vợ giỏi kiếm tiền hơn cả chồng. Và cũng vì có thể độc lập về tài chính, phụ nữ lại càng dễ có cảm giác chán chồng và chủ động ly hôn. Bên cạnh đó, cũng không hẳn là chỉ có phụ nữ giỏi kiếm tiền mới mang căn bệnh thời đại lạ lùng này.
Và đến cả những người vợ không quá giỏi giang, từng yêu thương chồng hết lòng hết dạ cũng có lúc nén không nổi một câu “Chán chồng rồi”. Dù rằng trước đó, họ vì chồng làm bao nhiêu chuyện, là một người vợ tận tụy hy sinh nhường nào. Điều này lại khiến tôi nhớ đến con số 70% người đứng đơn ly hôn là phụ nữ. Con số này như cảnh báo quá rõ ràng cho sự chán chê, muốn bỏ chồng ngày càng nhiều của phụ nữ.
Thật ra, bản năng của phụ nữ là làm mẹ làm vợ, là yêu thương và hy sinh. Phụ nữ có giỏi giang hay bình thường thế nào cũng đều mang bản năng ban sơ đó. Đừng chỉ nghĩ đàn bà chán chồng vì đổi thay hay cám dỗ, hãy thử tìm hiểu những nguyên do khởi nguồn cho căn bệnh thời đại mang tên “chán chồng” này.

Mai một cảm xúc
Với đàn ông, yêu thương được thể hiện rõ ràng qua tình dục thể xác. Còn phụ nữ, cảm xúc chính là cội nguồn cho sự gắn kết với chồng. Có đủ gắn kết tình cảm, thấu hiểu cảm xúc thì mới đủ thăng hoa tình dục ở phụ nữ. Đàn ông chán vợ vì nhiều thứ, không thỏa mãn, không còn phù hợp, hay thậm chí là không còn yêu. Nhưng phụ nữ chán chồng lại chỉ vì thiếu sự đồng điệu, vắng yêu thương và sẻ chia. Đàn ông ngoại tình vì thể xác, đàn bà lạc lối vì thiếu yêu thương cũng chính là vì vậy.
Mai một cảm xúc trong hôn nhân khiến họ phụ khao khát được lắng nghe và thấu hiểu – điều mà chồng vốn đã không thể cho họ.
Dối lừa lên ngôi
Phụ nữ luôn có thể dễ dàng gật đầu để thứ tha, nhưng còn để quên thì chưa khi nào. Ngay cả khi họ dằn lòng bỏ qua, ngó lơ hết những bội bạc của chồng để gia đình đủ đầy thì cũng không có nghĩa tình yêu của họ vẫn như cũ. Thật ra dối lừa trong hôn nhân là chất bào mòn tình cảm của phụ nữ mạnh bạo nhất. Phụ nữ càng yêu thương và hy sinh thì khi bị phản bội càng vơi bớt tình cảm bất nhiêu. Đàn ông vịn vào thứ tha của đàn bà mà bội bạc thì có sẽ có lúc chạm vào ranh giới “tử” nơi lòng dạ đàn bà, đó là tuyệt tình.
Phụ nữ vốn không là siêu nhân
Nhiều ông chồng luôn nghĩ vợ mình là siêu nhân, chuyện gì cũng có thể làm. Nếu cứ tiếp tục suy nghĩ đó thì vợ nào cũng có lúc chán chồng.
Sức chịu đựng và kiên nhẫn của người vợ, người mẹ luôn rất kinh khủng. Họ có thể không biết làm, nhưng chắc chắn sẽ học làm cho bằng được vì chồng con. Họ có thể biết là khổ, nhưng vì gia đình cũng sẽ cố làm đến cùng. Vốn dĩ họ không phải là người máy vạn năng, chuyện gì cũng làm được. Chỉ là vì họ cố gắng để chồng con đỡ lo, bớt gánh nặng. Họ có thể không cần chồng ở bên phút chốc nào đó, có thể tự mình gồng gánh. Nhưng đàn bà, ai cũng cần được trân trọng, cần được nhớ đến và biết ơn.
Nếu đàn ông cứ xem việc hy sinh của vợ là hiển nhiên, một mình cô ấy làm được hết thảy không cần mình thì sẽ có lúc phụ nữ cũng không cần chồng nữa. Vì cô ấy đã làm được mọi thứ một mình, cũng tự giải quyết được những cô đơn của bản thân thì cần gì một người chồng chỉ giỏi sai khiến và vô tâm?
Vô tâm nơi đàn ông
Đàn ông vô tâm, rồi phụ nữ sẽ vô tình, như một lẽ dĩ nhiên. Đàn ông cần yêu thương và phụ nữ cũng cần sự xoa dịu. Đàn bà giỏi cam chịu nhưng không ai đủ dẻo dai chịu cô quạnh cả đời. Đàn ông không biết trân trọng, đàn bà cũng sẵn sàng bỏ đi. Chồng vô tâm rồi thì cũng đến lúc vợ chán chồng.
Đàn ông sau hôn nhân thường trở nên chai lì với những hành động quan tâm, chia sẻ với vợ. Nếu ngày trước là hỏi han mỗi phút thì giờ là lơ là cả ngày. Nếu ngày yêu là trân trọng từng nụ cười, thì giờ cả giọt nước mắt của vợ cũng không màng. Nếu còn cưa cẩm, phụ nữ ho một tiếng thôi cũng cuống cuồng, giờ thì vợ bệnh nằm cả ngày cũng ít hỏi han. Làm đàn ông như thế, lớn tiếng ở đời thế nào, về nhà lại vô tâm với vợ thì còn bản lĩnh nổi đâu. Cứ thế, thì cũng đừng có lúc hỏi tại sao vợ lại bỏ đi.
Bất lực với hôn nhân của chính mình
Phụ nữ thường ở thế yếu trong hôn nhân. Họ có xu hướng dễ bị vị thế của chồng lấn át. Cũng chính vì vậy mà khi xảy ra mâu thuẫn, không phải phụ nữ nào cũng dễ dàng giải quyết khi chồng trở nên cứng nhắc và không hợp tác. Thật ra, cãi vã là chuyện thường xuyên và nên xảy ra trong hôn nhân. Quan trọng vẫn là ngồi xuống thẳng thắn với nhau tìm ra lý do. Đừng để đến khi phụ nữ bất lực với chính hôn nhân của mình, họ sẽ trở nên vô cảm với mọi thứ.



Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

Mộng du - cái nhìn mới từ góc độ y học

Suckhoedoisong.vn - Mộng du (sleepwalking hoặc somnambulism) là thuật ngữ y khoa nói về căn bệnh vừa ngủ vừa đi, hay trạng thái miên hành, người bệnh tự nhiên thức dậy và đi lại trong tình trạng đang ngủ mà bản thân họ không hề biết.
 

Mộng du - những điều bí ẩn

Theo trang tin Businessinsider của Mỹ, có khoảng 1 - 5% số người trưởng thành ở quốc gia này mắc chứng mộng du, trẻ em cũng mắc bệnh. Lý do, trẻ có giác ngủ REM (chuyển động mắt nhanh) ít hơn so với người lớn, nhất là nhóm 3 - 7 tuổi, thường rơi vào nhóm trẻ có tật đái dầm.
Có giả thiết cho rằng “hồn rời khỏi xác” khi đang ngủ nên mộng du được xem là hành động nguy hiểm, khiến người trong cuộc trở nên vô hồn. Trên thực tế, đánh thức người mộng du  không gây hại cho họ, cho dù khó khăn để khiến họ tỉnh giấc và quay trở lại giấc ngủ bình thường.
Một số người mộng du khi thức dậy thường rất bối rối hay sợ hãi. Đàn ông trở nên hung dữ hơn nếu tỉnh giấc trong lúc bị mộng du.
Khi mộng du, các bộ phận não tạo ra các hành vi phức tạp vẫn làm việc. Trong khi đó, các phần não lưu trữ ký ức và ra các quyết định lại ngủ, khiến họ không nhớ nổi mình đã làm gì và thường có những hành động đã từng diễn ra trước đó.
Theo thống kê, gần 80% số người mộng du có người nhà mắc bệnh, nói chính xác hơn, mộng du là chứng rối loạn giấc ngủ mang tính di truyền và có liên quan mật thiết đến nhóm bệnh thần kinh khác như: trầm cảm, Parkinson và các cơ chế của giấc ngủ REM.

Những ca mộng du giống như phim viễn tưởng

Theo tờ Daily Mail, vào khoảng 2 giờ sáng ngày thứ bảy 25/7/2005, một người đi qua đường ở Battersea, phía Đông Nam thủ đô London, Anh, không  tin vào mắt mình nữa sau khi nhìn thấy một người đang nằm cuộn tròn trên đầu tận của một chiếc dầm cầu trục cao chót vớt 40m (tương đương tòa nhà 13 tầng). Ngay lập tức, lính cứu hỏa được gọi đến và phát hiện thấy đó là cô gái 15 tuổi đang vô tư ngủ say trên chiếc giường ở trên không này. Nhờ thiết bị chuyên dụng, đội cứu hỏa đã tiếp cận được với đương sự. Sợ bị đánh thức đột ngột nguy hiểm đến tính mạng nên người ta đã áp dụng phương án tiếp cận an toàn nhất. Sau khi dây bảo hiểm được neo chặt, người ta đã gọi điện về gia đình nhờ cha mẹ gọi điện để đánh thức cô bé dậy. Tỉnh dậy và bằng thang thủy lực nhân viên cứu hỏa đã đưa cô gái xuống đất an toàn.
Một trường hợp khác, hồi năm 2009, nữ sinh 18 tuổi người Anh tên là Rachel Ward đã nhảy từ tầng hai xuống đất khi bị mộng du. Chuyện diễn ra vào lúc nửa đêm, Rachel Ward bỗng dưng tỉnh dậy, trèo lên cửa sổ tầng hai và vô tư “đi xuống”  đất, rơi xuống thảm cỏ bên cạnh chiếc xe hơi. Rất may, chân tiếp đất trước rồi mới ngã, sau đó hét lên kêu cứu, làm bố cô tỉnh dậy và đưa cô vào bệnh viện. Bác sĩ ngạc nhiên khi phát hiện thấy Rachel Ward bị rơi từ trên cao xuống mà không hề hấn gì, không gãy chân, gãy tay, ngủ tiếp giấc nữa, hôm sau tỉnh dậy và “xuất viện”, thậm chí còn không nhớ đêm qua mình làm gì
Theo y văn, Robert Ledru là một trong những thám tử xuất sắc nhất nước Pháp trong thế kỷ thứ 19. Khi đang điều tra một vụ án giết người liên quan đến nạn nhân Andre Monet  ở Paris, bị bắn chết trên một bãi biển ở Le Havre. Những bằng chứng duy nhất tại hiện trường bao gồm viên đạn  và những dấu chân của kẻ giết người. Ledru kiểm tra dấu chân và nhận ra một sự thật choáng váng. Đó là bàn chân phải của thủ phạm mất ngón cái và chân của chính ông cũng mất ngón này. Và một sự kiện khác, ngày diễn ra vụ án, Robert Ledru thấy tất của ông đã bị ướt khi thức dậy. Chưa hết, ông thường có thói quen dùng loại đạn như viên đạn tìm thấy tại hiện trường. Ledru nhận ra rằng chính ông là người đã giết Monet khi mộng du. Chuyện kết thúc, nhưng cảnh sát Pháp lại không chấp nhận ngay lời thú tội của Ledru và quyết định tiến hành một thí nghiệm. Họ nhốt ông vào phòng giam biệt lập để quan sát qua đêm. Tối đầu tiên, Ledru mộng du, sau đó, cảnh sát để thêm một khẩu súng vào phòng. Đêm tiếp theo, ông đã bắn cảnh sát khi đang ngủ. Nhóm điều tra đã đi đến kết luận, Ledru không phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình song ông vẫn là mối đe dọa. Vì vậy, họ đưa Ledru tới một trang trại ở vùng nông thôn, nơi có lính canh, và y tá giống như trại tâm thần. Về bản thân mình, Ledru tự nhận ông mắc chứng mộng du sau khi mắc phải chứng bệnh giang mai khi còn trẻ.

Mộng du nhìn từ góc độ y học

Lý giải về hiện tượng trên, tiến sĩ Irshaad Ebrahim, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ của Anh (LSC) cho rằng, có tới 10% nhóm thanh thiếu niên mắc phải chứng bệnh này ở mức độ khác nhau và không liên quan đến giấc mơ hay còn gọi là mộng du trong trạng thái ngủ không mơ. Rất nhiều trường hợp mộng du người trong cuộc đã làm những điều kỳ quặc như lái xe, vẽ tranh, nấu ăn, thậm chí cả làm tình với người lạ hay giết người... nhưng khi tỉnh dậy họ lại không nhớ những gì đã xảy ra. Nhà sinh học nổi tiếng người Nga I. Metanikop ví mộng du là một trạng thái đặc biệt, trạng thái hoàng hôn, trong đó, người trong cuộc đã hành động một cách vô ý thức nên không biết mối nguy hiểm rập rình.
Theo các nghiên cứu, có tới gần 30% số người trưởng thành từng mộng du trong cuộc đời với những mức độ khác nhau. Không còn ghi ngờ, mộng du là một dạng rối loạn giấc ngủ rất nổi bật, bên cạnh những rối loạn thường gặp khác như: ngưng thở khi ngủ, mất ngủ, ngáy ngủ... Thậm chí, mộng du còn gây nguy hiểm cho chính bản thân người trong cuộc lẫn những người xung quanh, như: lái xe trong đêm gây cán chết người.  Khi ngủ, não của con người rơi vào nhiều chu kỳ khác nhau, mỗi chu kỳ kéo dài khoảng một giờ rưỡi. Mộng du thường rơi vào cuối giai đoạn giấc ngủ NREM (Non Rapid Eye Movement) hay không cử động mắt nhanh, trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Sóng delta trong não hoạt động mạnh nhất trong giai đoạn này. Sóng Delta là sóng chậm nhất nhưng có biên độ lớn nhất, góp phần duy trì mức độ độ nồng của giấc ngủ nhưng vẫn giữ được khả năng hoạt động thể chất.
Tại sao não bộ của một số người lại có quá trình chuyển đổi tần số sóng delta cao thành mộng du, và không chỉ đơn giản là tiếp tục ngủ, mà họ lại có các hoạt động thể chất rất bí ẩn? Các nhà khoa học suy đoán, hành vi mộng du có thể bắt nguồn từ sự trưởng thành không đầy đủ thời thơ ấu. Chuyên gia thần kinh học Antonio Oliviero, ở Bệnh viện Quốc gia Paraplegics, Toledo, Tây Ban Nha, đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về mộng du, phát hiện thấy lỗi của hệ thống phối dây liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh GABA (acid gamma-aminobutyric) là thủ phạm chính gây ra chứng mộng du.
Khi công bố nghiên cứu trên tạp chí Scientific American,  Antonio Oliviero cho biết: “Ở trẻ em, các nơron thần kinh làm việc, bài tiết GABA đang giai đoạn phát triển nên chưa tạo ra được một hệ thống đầy đủ để kiểm soát các hoạt động. Do GABA ngăn chặn các tín hiệu điều khiển động cơ của não, nên việc thiếu GABA có thể làm cho trẻ ngủ kèm theo mộng du, mộng du có thể kéo dài đến giai đoạn trưởng thành”. Chính vì vậy, nếu có bố hoặc mẹ bị mộng du, con cái sẽ mắc mộng du cao tới 45%, nếu cả cha mẹ cùng bị mộng du thì tỉ lệ này tăng vọt tới 60%. Người bị trầm cảm có khả năng bị mộng du cao gấp ba lần, nhóm bị đau nửa đầu, người mắc hội chứng Tourette syndromewho (rối loạn thuộc hệ thần kinh thường khởi phát) có khả năng bị mộng du cao tới 4 - 6 lần so với nhóm người không mắc các chứng bệnh này.
Chứng mộng du chứa đựng rất nhiều bí ẩn nên đến nay con người chưa hiểu hết, vì vậy hiệu quả điều trị còn hạn chế. Chưa có thuốc đặc trị, giải pháp hiện tại là dùng các loại thuốc như benzodiazepin, thuốc thần kinh, làm chậm quá trình xử lý của cơ thể thông qua tăng cường GABA. Ngoài ra, còn có nhiều cách để ngăn chặn mộng du, như duy trì lối sống tích cực, năng vận động, tránh dùng các chất kích thích như cà phê và rượu trước khi ngủ, không ăn quá gần giờ đi ngủ, mỗi ngày nên duy trì giấc ngủ tốt cả về thời lượng và chất lượng, kể cả giấc ngủ trưa.
DS. Chu Trang Nhung



Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

[ĐI LÀM] XƯNG CÁI GÌ - HÔ RA LÀM SAO TRONG LẦN ĐẦU GIAO TIẾP

Trong môi trường công việc (và cả xã giao xã hội cũng vậy), trước khi biết nên xưng hô như thế nào với người đối diện, mình nghĩ nên gọi họ bằng anh/chị rồi hỏi họ xem nên xưng hô như thế nào cho tiện để cuộc trao đổi không gây kém thoải mái cho người khác ngay từ những phút giây đầu tiên (trực tiếp, qua điện thoại).
Từ ngữ Việt Nam vốn rất phong phú rồi, khi ta ở chung trong một ngữ cảnh cũng nên lựa chọn ngôn ngữ chung với nhau vậy.
Với ứng viên, trừ khi đã thấy tuổi trên CV nhỏ hơn mình nhiều mình mới xưng chị khi gọi điện thoại mời họ ứng tuyển. Mới hôm kia thôi, 1 bạn bay ngay vào inbox mình "hey baby, gởi cho anh mô tả công việc", rồi thì "bé ơi mô tả cv đi em"...Mình không hay chấp nhặt chi tiết người khác, tuy nhiên thiết nghĩ nếu ta muốn nhận sự tôn trọng từ đối tượng đang giao tiếp, mở đầu hãy đúng mực một chút.
Dạo này, cũng một số công ty liên hệ mình để phỏng vấn mình qua điện thoại, câu đầu tiên mà họ hỏi là "số điện thoại của Vân...phải không em? phải không bé?" (xong 1 lát nhìn tới tuổi thì "í, chị lớn hơn em em đổi cách xưng hô nhé". Mới đây thôi, một công ty công nghệ cũng gọi là to ở VN "Vân phải không em, abc.. em tự thấy em có kinh nghiệm rồi nên giờ em muốn thay đổi công việc à? trưa nay em qua gặp nhé" (mình đợi nói xong mình NO luôn cho lẹ, khỏi bắt não phải suy nghĩ tội nó). Vì mình làm Nhân sự, trải nghiệm quá nhiều để hiểu rằng trong mối tương quan giữa người và người, cần sự tế nhị trước khi có thể thấu cảm hay nói, làm những chuyện to hơn.
Xưng hô như thế nào khi làm việc cũng cần được trang bị kỹ chớ không phải chủ nghĩa tự nhiên (khi mối quan hệ đã gần gũi hơn và được sự đồng ý đối phương, ta có thể chuyển sang những cách gọi thân mật hơn). 
Không phải là nhìn vào người đối diện thấy họ trẻ hơn hay già hơn, hoặc nghe họ nói chuyện giọng họ "có vẻ trẻ" hay "sao nghe già" mà mặc định có thể gọi họ theo cách mình muốn.
Như thế chẳng khác gì thời xưa các cụ HR cứ hay bổ nhào ra đường tìm người tuổi to và mặt già về để làm quản lý vậy! - 
Số lượng tôm sú hấp bia thật nhiều chưa chắc bằng một bé tôm hùm mới bơi từ biển chui thẳng vào bụng!
Chuyện bé chớ không có nhỏ, chính là cái chuyện xưng hô.

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Quy tắc “tay phải” và sự thông minh trong định tuyến bán hàng

Trong phân phối, phân tuyến bán hàng sao cho tối ưu luôn là một bài toán hóc búa đòi hỏi trí tuệ, kinh nghiệm và óc tư duy của người Giám sát. Việc phân chia tuyến bán hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc của nhân viên bán hàng. Nhất là đối với các thị trường tỉnh, địa bàn hoạt động rộng lớn nếu phân tuyến không tốt có thể làm “hỏng” cả ngày làm việc của nhân viên bán hàng.

Căn cứ vào đâu để Giám sát bán hàng có thể phân tuyến hợp lí cho nhân viên?

  1. Trước hết căn cứ đó phải xuất phát từ thực tế trải nghiệm của chính các SUP, ASM họ phải là người đầu tiên xông pha “thăm dò” thị trường để nắm được thói quen mua hàng, giờ mở bán của từng cửa hàng. Điều này giúp SUP tránh được tình trạng sắp xếp thứ tự viếng thăm không phù hợp với thực tế hoạt động của các tuyến.
  2. Việc chia tuyến theo khu vực cũng phải phụ thuộc vào độ phủ của khách hàng tại khu vực đó, loại khách hàng và mức độ tiêu thụ của thị trường. Ví dụ, nhân viên A mỗi ngày có 16 tuyến để đi, với những nơi thị trường hẹp, họ chỉ đi một lúc là hết, vậy thời gian còn lại họ sẽ làm gì? F2 chắc chắn là tuyến họ cần đi tiếp theo để lấp đầy khoảng trống thời gian đó. Các SUP cần phân loại các cửa hàng trọng điểm, có mức tiêu thụ tốt để có thể viếng thăm 2 lần, thậm chí 3 lần một tuần (F2, F3). Việc làm này không chỉ tận dụng được thời gian của Sales mà còn chăm sóc khách hàng tốt hơn, tăng khả năng bán được hàng.
  3. Re-route (định lại tuyến bán hàng) là việc nên được các SUP tiến hành liên tục để cập nhật tuyến mới phù hợp hơn với thay đổi thực tế của thị trường như số lượng khách hàng thay đổi do thêm mới hoặc từ bỏ.

    Làm thể nào để đi tuyến tiết kiệm thời gian, chi phí và hiệu quả hơn?

    Công việc của một nhân viên bán hàng gắn liền với các điểm bán phải viếng thăm, các cung đường phải di chuyển mỗi ngày. Sẽ rất vất vả và mất nhiều thời gian nếu nhân viên Sales đi tuyến lung tung, không theo một quy luật nào cả. Bởi di chuyển trên đường bạn có thể thấy rất nhiều cách để đi từ điểm này tới điểm nọ, việc đi không có tính toán có thể khiến cho cung đường di chuyển dài hơn, mất thời gian hơn khi đó thứ mất đi không phải chỉ là chi phí xăng xe mà có thể là cả chi phí cơ hội.
    Số ít doanh nghiệp đã khôn ngoan hơn trong việc chọn cho mình cách đi tuyến khác thường để tối ưu hiệu quả – đó là việc áp dụng quy tắc “tay phải”.
    Nhân viên bán hàng chỉ đi các tuyến bên phải đường, và chỉ rẽ phải khi viếng thăm khách hàng là chiến thuật có phần “kì quái” của Pepsi nhưng mang lại hiệu quả ít người ngờ tới được.
    Đầu tiên, nó tiết kiệm chi phí đi lại và thời gian di chuyển cho sales. Những chiếc xe tốn khá nhiều nhiên liệu khi dừng đỗ mà không tắt máy hay gặp phải những đoạn đường đông đúc, chờ đèn đỏ. Chính vì thế việc rẽ phải giúp họ ít phải dừng hơn, khó gặp phải cảnh tượng đông đúc, ùn tắc hơn từ đó tiết kiệm được xăng xe và thời gian di chuyển.
    Thứ hai, nó an toàn hơn, giảm thiểu tai nạn giao thông và tắc đường cho Sales nếu liên tục rẽ phải. Mặc dù có những đoạn đường ta buộc phải rẽ trái và đó là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, theo thống kê cho thấy số lần rẽ trái chiếm chưa tới 10% tổng số lần rẽ của tài xế lái xe. Như vậy, 9 lần rẽ phải mới có 1 lần rẽ trái và chắc chắn mọi người sẽ tự lên được lộ trình cho mình với số lần rẽ như vậy.
    Tất nhiên, chia tuyến theo quy tắc “tay phải” cũng đòi hỏi một số điều kiện nhất định như: nhân viên bán hàng nên xuất phát đi tuyến từ đâu để phù hợp? thường họ sẽ đi từ nhà phân phối, nơi bắt đầu ngày làm việc với những cuộc họp hoặc để lấy hàng. Vậy Giám sát cần thông thái trong việc chọn tuyến bắt đầu và tuyến kết thúc cho Sales để họ có thể đi một vòng hết số điểm bán quy định mà vẫn tuân thủ quy tắc “tay phải” này.
    Mặc dù khá mới nhưng quy tắc “tay phải’ đã được ứng dụng trong nhiều doanh nghiệp phân phối, thậm chí logistics trên thế giới. Phân tuyến và đi tuyến quyết định rất nhiều đến kết quả bán hàng, vì vậy doanh nghiệp cũng nên không ngừng thử nghiệp, đổi mới phương pháp để gia tăng hiệu quả.

Đông y trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ em

Suckhoedoisong.vn - Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em còn gọi là chứng thực tích, tích trệ, Nguyên nhân có thể do ăn uống hay có trùng tích làm ảnh hưởng đến công năng hoạt động của tỳ vị.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em còn gọi là chứng thực tích, tích trệ, Nguyên nhân có thể do ăn uống hay có trùng tích làm ảnh hưởng đến công năng hoạt động của tỳ vị. Y học cổ truyền thường sử dụng các vị thuốc có tác dụng kích thích tiêu hóa có chứa tinh dầu, axit hữu cơ và nhóm có tác dụng làm mạnh tỳ vị điều trị căn bệnh này.

Các bài thuốc thường dùng

 

Trẻ có biểu hiện bụng đầy, đau, ăn kém, tiêu chảy 3 - 4 lần, phân sống, có khi nôn: Ý dĩ 6g, sơn tra 4g, trần bì 2g, mạch nha 6g. Tất cả sao vàng, tán thành bột, hòa nước ấm cho trẻ uống, ngày 2 lần.

Nếu trẻ có thêm hiện tượng sốt kèm chứng viêm nhiễm khác như ho, chảy mũi, đi tiêu nhiều lần, phân có bọt, trẻ chán ăn: Đảng sâm, hoắc hương, tía tô, ý dĩ mỗi vị 6g, trần bì, gừng khô mỗi vị 2g. Sắc cho trẻ uống lúc thuốc còn ấm chia nhỏ nhiều lần trong ngày.

Trẻ bị tiêu chảy nhiều lần kèm sốt, mất nước, thóp lõm xuống: Cát căn, kim ngân hoa 8g, tô mộc 4g, vàng đắng 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Bài thuốc này có vị đắng, khó uống, có thể cho thêm ít quả đại táo cho dễ uống.

Nếu trẻ đi cầu nhiều lần, phân sống, mùi chua, biểu hiện suy dinh dưỡng, nên kiện tỳ tiêu thực cho trẻ: Đảng sâm, hoài sơn, ý dĩ mỗi thứ 6g, nhục đậu khấu, trần bì, mạch nha, hậu phác mỗi vị 4g, sắc ngày 1 thang chia nhiều lần cho trẻ uống trong ngày.

Bên cạnh các bài thuốc trên, chúng ta cũng có thể sử dụng các vị thuốc tiêu thực để chế biến thành các món ăn dinh dưỡng cho trẻ, đồng thời hỗ trợ bộ máy tiêu hóa của trẻ ngăn ngừa các rối loạn đường ruột.

- Cháo rau sam, lấy 50g rau sam tươi rửa sạch cắt thật nhỏ, vài đọt búp ổi non cắt nhỏ, gạo tẻ một nắm, vo sạch, cho vào nồi, đổ thêm nước, đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín và rau nhừ nêm thêm ít muối. Có thể chắt lấy nước cháo cho trẻ uống ngày 2 - 3 lần. Ăn trong 2 - 3 ngày.

- Cháo cà rốt, ô mai mơ, lấy 1 củ cà rốt nhỏ, thêm 5 quả ô mai mơ (xí muội), 1 nắm gạo tẻ, đem cà rốt rửa sạch, thái thật nhỏ, lấy cơm của quả ô mai thái nhỏ, gạo rang vàng. Tất cả cho vào nồi với 200ml nước, đun trên lửa nhỏ, cháo chín là được. Ngày ăn 2 lần lúc đói, ăn liền 2-3 ngày.

- Cháo sơn dược, lấy 1 nắm gạo tẻ, thêm 10g hoài sơn (củ mài), hạt sen 10g. Tất cả cho vào nồi, nước vừa đủ, nấu chín nhừ tán nhuyễn cho trẻ ăn trong ngày.

- Uống thêm nước nụ vối, gừng 2g. Cách làm: Nụ vối, vỏ lựu, gừng rửa sạch cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, chắt lấy nước bỏ bã. Chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống 2 - 3 ngày.

- Nước gạo rang, gạo tẻ 1 nắm đem rang vàng, cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, lấy nước gạo rang pha bột cho trẻ uống, có thể dùng trong 2 - 3 ngày, khi thấy dứt các triệu chứng trên thì ngưng.
Có thể xoa bóp quanh vùng rốn để làm giảm cảm giác đầy trướng cho trẻ.

Lưu ý: Nếu điều trị cho trẻ 2 - 3 ngày bệnh không thuyên giảm cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
Bác sĩ Hoài Hương